Close

NGHỀ HOT

19 April, 2019

LÀM VIỆC TẠI BA LAN CHỈ VỚI TIẾNG ANH

Chỉ có tiếng Anh, liệu có thể dễ dàng tìm kiếm và làm việc tại Ba Lan không? Đây là một câu hỏi mà nhiều bạn sinh viên thắc mắc. Cùng Flat World tìm câu trả lời thông qua bài chia sẻ của một cô gái hiện đang định cư tại Ba Lan nhé.

  1. Chia sẻ về cô gái Đinh Lễ Phương Thảo

Tốt nghiệp ở Việt Nam, đã đi làm 8 năm, sang Ba Lan định cư từ tháng 3 năm 2016, cô gái Đinh Lễ Phương Thảo chưa từng là du học sinh hay học trường quốc tế. Lần đầu Thảo sang Ba Lan là tháng 11 năm 2015, trước khi sang đây cô có tìm kiếm thông tin và apply hồ sơ vào một số công ty, có phỏng vấn online với 2 công ty và 1 trong số đó hẹn ngày phỏng vấn trực tiếp khi với cô khi có mặt ở Ba Lan vào tháng 11.

Rất tiếc là đôi bên không đáp ứng phù hợp nhu cầu của nhau nên không đi đến hợp tác làm việc tại Ba Lan được. Sau khi về Việt Nam vào tháng 12 năm 2015, tháng 3 năm 2016 Thảo quyết định sang Ba Lan định cư hẳn và tìm việc ở bên này.
Sau nhiều lần phỏng vấn và đi làm thử ở một số nơi, tháng 4 năm 2017 vừa rồi Thảo chính thức ký hợp đồng làm việc cho tập đoàn ZPR của Ba Lan, phòng Marketing. Công việc đúng với ngành học và kinh nghiệm làm việc Thảo từng có ở Việt Nam, nên cô không gặp quá nhiều khó khăn. Ngoài ra môi trường làm việc tại Ba Lan hoàn toàn bằng tiếng Anh, nơi làm việc ở trung tâm Warsaw và mức lương khá ổn – Thảo chia sẻ.

  1. Tìm việc là một công việc cần tính kiên trì

Nếu nói tìm việc ở Ba Lan (khi không có hoặc có rất ít kiến thức tiếng bản xứ) là dễ thì chắc chắn không, kể cả nói tiếng Ba Lan tốt cũng nhiều người trầy trật không tìm được công việc như ý, nên các bạn cần xác định từ đầu là tự tin, kiên trì và bình tĩnh, đừng vài tuần vài tháng là nản lòng.

“ Thảo gửi thư xin việc tổng cộng phải hơn 200 nơi trong suốt từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 4 năm 2017. Có một số nơi thì Thảo may mắn có người quen viết giấy giới thiệu (introducing letter) cho. Tuy nhiên rất nhiều thư xin việc bặt vô âm tín như ném đá xuống biển, rất nhiều thư xin việc nhận được từ chối/cảm ơn và hứa hẹn sẽ xem xét hồ sơ trong các cơ hội tương lai, bên cạnh đó cũng nhiều lần đi phỏng vấn mà sau 2 phút trao đổi là thấy “không đến được với nhau”. Cũng có những nơi phỏng vấn xong xuôi 2, 3 vòng rồi, ok hết rồi lại vì lý do gì đó mà chia tay… Nói chung là không phải một phát ăn ngay, nên cần từ từ, kiên trì, tâm lý thoải mái chút.” – Cô gái chia sẻ quãng thời gian gửi hồ sơ của mình.

  1. Gửi thư xin việc như thế nào cho hiệu quả?

“ Kinh nghiệm về gửi thư xin việc và đi phỏng vấn thực ra ở Việt Nam Thảo chưa có, vì các cơ hội công việc ở Việt Nam của Thảo là do người quen và may mắn tự tìm đến, nên chính sau quãng thời gian tìm việc ở Ba Lan này, Thảo học được rất nhiều về kỹ năng tìm việc, gửi thư xin việc, phỏng vấn… “ – Thảo nói

Để nói về kinh nghiệm làm việc tại Ba Lan thì cũng không có gì nhiều, thứ nhất là nên hoàn tất hồ sơ thông tin chi tiết về bản thân trên Linkedin, vì rất nhiều website tuyển dụng và nhà tuyển dụng cho phép apply trực tiếp từ hồ sơ Linkedin hoặc họ kiểm tra thông tin từ đó.

Thứ 2 là tìm đúng các nguồn tuyển dụng lớn và uy tín, nhiều cơ hội cho mình lựa chọn. Thảo gợi ý một số website tuyển dụng mà Thảo từng tìm việc ở bên dưới để mọi người có thể tham khảo qua.  Những thông tin này có thể đa số mọi người đều có, nhưng cứ đưa lên để lỡ ai đó chưa biết có thể sử dụng.

Thứ ba là một số lưu ý trong thư xin việc làm việc tại Ba Lan. Một thư xin việc cơ bản cần có nội dung ngắn gọn giới thiệu sơ qua về bản thân và vị trí công việc mình muốn ứng tuyển. Nên nêu cho nhà tuyển dụng biết từ nguồn nào mà mình biết thông tin tuyển dụng này. (đây là tip Thảo tự rút ra được từ thời gian làm việc ở vị trí Nhân sự khi còn ở Việt Nam, vì đứng ở vị trí người tuyển dụng, việc báo cáo được các nguồn tuyển dụng nào hiệu quả là một phần việc của họ.

Như các bạn có thể thấy ở các form xin việc họ đều có phần hỏi từ đâu bạn biết thông tin tuyển dụng này và họ đưa ra những lựa chọn cụ thể cho mình tick vào, đó là cách họ lựa chọn sàng lọc các kênh tuyển dụng mà công ty họ chi trả, xem cái nào hiệu quả hơn. Do đó nếu ứng viên hỗ trợ cho phía Nhân sự phần thông tin này thì bước đầu bạn đã gây được thiện cảm cho người xét duyệt hồ sơ/phỏng vấn bạn rồi). Ngoài ra trong thư xin việc cần đính kèm CV/Resume (sơ yếu lý lịch), cover letter (thư xin việc), introducing letter (thư giới thiệu) nếu có.

Nói về CV/Resume làm việc tại Ba Lan, nếu không tự tin mình thiết kế được một mẫu riêng ưng ý, các bạn nên tham khảo nhiều mẫu CV/Resume có sẵn và chọn cho mình cái nào phù hợp nhất. Ở đây không nói đẹp nhất hay tốt nhất mà là phù hợp nhất, vì mỗi ngành nghề mỗi lĩnh vực sẽ có đặc thù riêng và mẫu CV/Resume phù hợp. Trong CV/Resume nhất định cần có hình ảnh rõ nét, đơn giản, thể hiện được sự chuyên nghiệp và một lần nữa quan trọng – phù hợp! Ví dụ như chuyên ngành của bạn là thời trang/ giải trí/ truyền thông thì hình ảnh cũng nên mang tính thời trang sáng tạo và ấn tượng. Đa số các ngành và vị trí công việc văn phòng cơ bản khác thì hình ảnh đơn giản chuyên nghiệp (mặc chemise khoác vest, tóc gọn gàng) là ok nhất.

Cover letter làm việc tại Ba Lan cũng quan trọng không kém, nội dung cover letter nên được chuẩn bị vài bản để phù hợp với từng vị trí công việc khác nhau, trừ phi các bạn xác định chỉ ứng tuyển một vị trí nhất định nào đó. Ngoài ra, ở các công ty nước ngoài, khác với các công ty Việt Nam đa phần chú trọng bằng cấp và bảng điểm, kinh nghiệm công việc, thì các cty nước ngoài đánh giá cao cả những hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, sở thích và năng khiếu cá nhân của ứng viên.

Nếu như ở Việt Nam phần sở thích hầu như ít nhà tuyển dụng nào lưu ý đến, thì ở các công ty nước ngoài làm việc tại Ba Lan Thảo từng được hỏi nhiều lần rằng bạn không thích bộ môn thể thao nào ư? Sở thích của bạn là đọc sách vậy bạn có thể chia sẻ với chúng tôi quyển sách gần đây nhất mà bạn đọc là quyền nào không?… Tất cả những công tác xã hội, hoạt động cộng đồng, thể thao văn nghệ ca múa hát từng tham gia các bạn cũng nên nêu vào, tất nhiên đừng dài dòng quá.

Thêm nữa, nếu là các chứng chỉ ngoại ngữ/bằng cấp… thì nên đính kèm một bản mềm vào CV/Resume cho họ xem luôn. Ví dụ chứng chỉ tiếng Anh của Thảo hết hạn từ lâu lắm rồi nhưng vẫn đính kèm vào được, vì cái họ cần là thông tin, còn năng lực mình như thế nào họ sẽ tự kiểm chứng khi phỏng vấn được.

  1. Kinh nghiệm đi phỏng vấn

Thứ tư về việc đi phỏng vấn, khi thư xin việc được hồi đáp mời đi phỏng vấn làm việc tại Ba Lan, thường họ sẽ gọi điện thoại trao đổi sơ qua và hẹn ngày phỏng vấn sau đó họ gởi thông tin chi tiết vào email cho mình. Các bạn nên trả lời cho họ ngắn gọn cảm ơn vì đã mời phỏng vấn và mình sẽ có mặt như đã hẹn, nếu họ cần mình đem theo giấy tờ hồ sơ gì vui lòng thông báo… Đừng im lặng sau khi nhận được thư hẹn phỏng vấn!

Vào ngày phỏng vấn làm việc tại Ba Lan, ăn mặc trang điểm tóc tai giày túi như thế nào là tuỳ ngành nghề và sở thích cá nhân, nhưng nên tạo ấn tượng đầu tiên đơn giản và chuyên nghiệp, không phải phỏng vấn làm BTV truyền hình là phải mặc đầm soa-re dạ hội 8 tầng hay trang điểm lộng lẫy. Nên trang điểm nhẹ nhàng một chút, đừng để mặt mộc và đừng trông quá xuề xoà luộm thuộm. Nhớ lưu ý đến các yếu tố khách quan như dự báo thời tiết mưa nắng nóng lạnh thế nào, tình hình giao thông (kẹt xe hay không, nếu kẹt xe thì phải tính thời gian dư dả đi lại, tránh trễ giờ)…

Và cuối cùng, khi tham gia buổi phỏng vấn làm việc tại Ba Lan, hãy tự tin, tự tin là yếu tố tiên quyết, vì khi họ gọi mình đến phỏng vấn thì ít nhất 60, 70% họ thấy mình có khả năng đáp ứng vị trí công việc họ cần tuyển thì họ mới sắp xếp thời gian phỏng vấn mình, nên hãy tự tin và vui vẻ thoải mái.  Có thể chia sẻ một chút về quá trình xin việc và những khó khăn cơ bản với họ nhưng đừng sa đà quá, việc chính vẫn là phỏng vấn vị trí công việc và nội dung hợp đồng, các điều khoản cần thiết, lương và các lợi ích gói kèm theo…

Về việc thoả thuận lương, nếu công ty làm việc tại Ba Lan họ chưa đưa ra mức lương offer (mặt bằng lương ở Ba Lan nhìn chung khá thấp, nhưng cũng là phù hợp với mức chi tiêu) hoặc họ hỏi mức lương bạn mong muốn trước, nếu bản thân chưa có con số cụ thể thì nên trả lời đầu tiên là nêu mức lương ở vị trí công việc cũ (nếu có), sau đó nói mình cần cân nhắc khối lượng công việc và môi trường làm việc mới thì sẽ dễ đưa ra mức lương mong muốn hơn, đừng nói đơn giản tôi không biết.

Còn nếu bạn chưa đi làm bao giờ, có thể dựa vào mức lương cơ bản tuỳ ngành nghề (nên tìm hiểu trước) mà đưa ra mức lương phù hợp, đừng sợ thất bại mà đưa lương thấp quá, nhà tuyển dụng cũng sẽ thấy bạn thiếu tự tin và đánh giá thấp bản thân, cũng không nên đưa lương “thách” quá. Sau khi phỏng vấn, thường sẽ có câu trả lời ngay, cũng có thể họ mời về và hẹn trả lời sau vài ngày, cho dù thế nào thì sau khi ra về cũng nên viết thư cảm ơn vì đã dành thời gian phỏng vấn, được hay không cũng nên viết, tập thành thói quen.

Một số website tuyển dụng phổ biến tại Ba Lan mà bạn Thảo từng tìm và gửi thư xin việc:
https://www.linkedin.com/jobs/
https://www.pracuj.pl/praca/
http://www.praca.pl/
https://www.careersinpoland.com/
https://www.jobs.pl/
https://job-poland.com/
http://www.jobsinwarsaw.com/
https://www.infopraca.pl/

Qua bài viết dựa trên chia sẻ thực tế của Đinh Lễ Phương Thảo – một cô gái Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Ba Lan, mong là các bạn đã có thêm kinh nghiệm và sự tự tin để đi xin việc ở đất nước châu Âu xinh đẹp này.

Mọi chi tiết về du học và định cư tại Ba Lan, xin vui lòng liên hệ:

TỔ CHỨC GIẢI PHÁP GIÁO DỤC FLAT WORLD

Điện thoại: 024.66577771 /0966190708 (thầy Giao)

Website: https://duhocbalan.com/

Facebook: https://www.facebook.com/duhocbalanflatworld/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCl_sOoLdDsevSKzRI4-PHzw

Email: fmeducation@fmgroup.vn